Hành trình dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì thống nhất - độc lập - tự do - hạnh phúc cho Tổ quốc tại Đền tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất

Cách đây 49 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sáng ngày 25/4/2024, trong không khí hào hùng của dân tộc vào những ngày cuối thàng tư đầy nắng, Đoàn công tác của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn do Tiến sĩ Lê Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng làm trưởng đoàn, cùng các cán bộ lãnh đạo, nhân viên các đơn vị thuộc Trường đến viếng, tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tại tỉnh Quảng Trị.

Ảnh

Tại đây, Đoàn công tác Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã kính cẩn dâng hoa, thắp hương tại Đài tưởng niệm, mộ các liệt sĩ, tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; nguyện hứa tiếp bước cha, anh xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, phồn vinh.

Đoàn công tác của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn dâng hoa, thắp hương tại Đài tưởng niệm, mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Được biết, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Tiến sĩ Lê Lâm - Hiệu trưởng, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thắp hương tưởng niệm tại mộ các liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn


Ảnh

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Gio Linh, Quảng Trị

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Trước khi đến viếng, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, sáng cùng ngày, Đoàn công tác Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Thành cổ Quảng Trị. Đây là di tích cấp quốc gia đặc biệt nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km và nằm ngay bên bờ sông Thạch Hãn.




Đoàn công tác của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn dâng hoa, thắp hương tại Đài tưởng niệm, mộ chung các liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị

Di tích Thành cổ Quảng Trị là nơi chứng kiến tinh thần anh dũng bất khuất và sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ quân giải phóng và nhân dân Quảng Trị trong cuộc chiến đấu đánh trả các đợt phản kích tái chiếm Thành cổ của Mỹ - Nguỵ trong 81 ngày đêm năm 1972 (từ ngày 28/6 - 16/9/1972).

Đoàn công tác của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn dâng chụp ảnh lưu niệm tại Đài tưởng niệm, mộ chung các liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị cùng với thị xã Quảng Trị đã phải oằn mình hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Nhưng với lòng quả cảm và ý chí kiên cường bất khuất, các chiến sĩ quân giải phóng vẫn kiên cường bám trụ trận địa; giành giật từng tấc đất quyết bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị nhằm giành lợi thế trên mặt trận quân sự, tạo đà thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris. Đất Thành cổ, nước sông Thạch Hãn đã thấm đẫm biết bao máu xương của anh hùng liệt sĩ.


Cổng thành và Đài tưởng niệm, mộ chung các liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!