Thi THPT quốc gia 2016: dự kiến 3 ngày thi 8 môn

TTO - Thông tin trên được công bố tại Hội nghị về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM sáng nay 13-11.

Đến tham dự và chủ trì hội nghị có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi THPT quốc gia được quy định trong Luật Giáo dục nên việc tổ chức kỳ thi này là bắt buộc. Trong khi Luật Giáo dục ĐH quy định “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh” nên việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường.

Học sinh THPT tìm hiểu về các hình thức tuyển sinh vào trường TC Đại Việt TP Hồ Chí MInh năm 2015

Vì vậy những ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên bỏ kỷ thi THPT quốc gia và tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc gọi kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi “2 trong 1” đều không phù hợp với quy định của pháp luật.

Về thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án: lịch thi THPT quốc gia 2016 dự kiến diễn ra trong ba ngày. Các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và Vật lý mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn gồm Sinh - Lịch sử và Hóa học- Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ.

Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn thi Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng theo lịch thi này thì ngày thi thứ ba tổ chức thi cặp môn cùng giờ nên sẽ ảnh hưởng đến một số lượng thí sinh có nguyện vọng thi cả hai môn.

Về xét tuyển ĐH, CĐ trong năm 2016, theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH tốp trên chưa sẵn sàng thực hiện tự chủ tuyển sinh, vẫn mong muốn Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để các trường lấy kết quả để xét tuyển. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT mong muốn các trường cần cân nhắc, thảo luận kỹ một số vấn đề kỹ thuật để tìm giải pháp tối ưu nhất.

Lịch thi THPT quốc gia 2016 dự kiến diễn ra trong ba ngày

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng đã tổng hợp những vấn đề được dư luận xã hội, các chuyên gia, các trường, sở GD-ĐT, thí sinh và phụ huynh tham gia nhiều ý kiến trong thời gian qua.

Cụ thể, cần duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) hay bãi bỏ. Nếu bỏ điểm sàn thì mở rộng cửa vào ĐH, không đảm bảo nguồn tuyển cho hệ CĐ, giáo dục nghề nghiệp; có cần quy định các đợt xét tuyển hay chỉ quy định số kỳ tuyển sinh trong năm học; xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia cần thay đổi một cách căn bản hay chỉ điều chỉnh một số điểm bất hợp lý trong công tác xét tuyển năm 2015; chế độ điểm ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng cần giữ ổn định như năm 2015 hay giảm xuống còn ½ so với mức điểm ưu tiên trong năm 2015.

Tuổi Trẻ Online


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!