Thuốc Điều Trị Đái Tháo Đường (Tiểu Đường): Những Điều Người Bệnh Cần Biết

Thuốc Điều Trị Đái Tháo Đường (Tiểu Đường): Những Điều Người Bệnh Cần Biết

Sau khi được chẩn đoán đái tháo đường (bệnh tiểu đường), việc điều trị sẽ được tiến hành. Tùy vào nhận định của bác sĩ và mục tiêu điều trị mà việc chọn lựa chế độ điều trị sẽ khác nhau tùy bệnh nhân. Nhìn chung, bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 sẽ được kê các loại thuốc uống còn bệnh nhân đái tháo đường type 1 sẽ dùng Insulin để điều trị.

Các thuốc cho bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) có nhiều loại và tác dụng bằng nhiều cách khác nhau. Trong bài viết này, bác sĩ Mai Trọng Trí sẽ cung cấp những thông tin về các các thuốc viên điều trị đái tháo đường, những thông tin về các loại Insulin và cách sử dụng, những quan điểm sai lầm phổ biến của người bệnh về các thuốc điều trị đái tháo đường xin được trình bày trong những bài viết khác.

Các nhóm thuốc viên dùng để điều trị đái tháo đường gồm:

  • Nhóm ức chế men Alpha-Glucosidase
  • Nhóm Biguanide
  • Nhóm ức chế men DPP4
  • Nhóm Sulfonylureas
  • Nhóm TZD
  • Nhóm ức chế kênh SGLT2
  • Các loại thuốc phối hợp

NHÓM ỨC CHẾ MEN ALPHA- GLUCOSIDASE

Acarbose (Glucobay) là thuốc thuộc nhóm ức chế men Alpha- Glucosidase. Thuốc này giúp ngăn chặn tình trạng phân cắt các chất đường đa (có trong bánh mì, khoai tây, cơm…) thành những phân tử đường nhỏ hơn trong ruột non, từ đó làm giảm đường huyết trong cơ thể. Thuốc làm giảm đường huyết sau ăn và nên được dùng sau miếng cơm đầu tiên. Tác dụng phụ có thể gặp là đầy hơi và tiêu chảy.

NHÓM BIGUANIDE

– Metformin (Glucophage) là thuốc thuộc nhóm Biguanide. Thuốc này giúp giảm đường huyết bằng cách ngăn không cho gan tạo thêm đường và giúp mô cơ dễ sử dụng Glucose hơn. Metformin thường được dùng sau ăn, một hoặc nhiều lần mỗi ngày. Một số bệnh nhân có thể bị tiêu chảy khi dùng thuốc nhưng sẽ tránh được nếu dùng thuốc chung với thức ăn hoặc ngay sau ăn, dùng liều thấp tăng dần, dùng các thuốc thế hệ mới hoặc cơ thể sẽ quen dần.

– Phenformin cũng là một thuốc trong nhóm này nhưng đã bị cấm dùng từ lâu do làm tăng nguy cơ nhiễm toan máu. Mặc dù vậy, nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc vẫn có thể được trộn thêm hoạt chất này nên người bệnh cần thận trọng khi mua các thuốc không có xuất xứ rõ ràng hoặc không được kê bởi bác sĩ.

NHÓM ỨC CHẾ MEN DPP4

Đây là nhóm thuốc mới có thể giúp kiểm soát đường huyết nhưng ít gây hạ đường huyết. Chúng thường có tên gọi kết thúc bằng chữ Gliptin. Thuốc giúp ngăn hủy nội tiết tố GLP1 trong cơ thể. GLP1 được tiết ra từ ruột sau khi chúng ta ăn hoặc uống các chất tinh bột hoặc đường, giúp kiểm soát đường huyết. Mặc dù vậy, chất GLP1 bị hủy rất nhanh bởi men DPP4 nên mất đi hoạt tính. Nhóm thuốc này giống như tên gọi, đã ngăn không cho men DPP4 tác dụng từ đó giữ lại khả năng hoạt động của chất GLP1. Các thuốc này ít có tác dụng phụ (ngoại trừ những bệnh nhân được chẩn đoán suy tim nên thận trọng khi dùng Saxagliptin).

NHÓM SULFONYLUREAS (SU)

Gliclazide (Diamicron), Glimepiride (Amaryl) là những thuốc thế hệ mới, trong khi đó Glibenclamide (thường được kết hợp với Metformin dưới tên gọi Glucovance) là thuốc thuộc thế hệ cũ hơn. Các thuốc này kích thích tuyến tụy tiết ra Insulin nên giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tác dụng phụ là hạ đường huyết quá mức nhưng thường gặp ở Glibenclamide hơn những thuốc thế hệ mới. Trên những người bệnh dễ bị hạ đường huyết nên tránh dùng các thuốc nhóm này. Nhóm SU thường được khuyên dùng trước các bữa ăn .

NHÓM TZD

Pioglitazone (Actos) là thuốc duy nhất thuộc nhóm này có mặt ở Việt Nam. Chúng có tác dụng làm mô cơ và mỡ nhạy hơn với Insulin cũng như ngăn không cho gan tạo ra thêm đường trong cơ thể nên giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Các thuốc này có thể làm nặng thêm tình trạng suy tim, thiếu máu hoặc dễ gây tăng cân nên việc sử dụng cần cân nhắc và thảo luận kỹ với bác sĩ điều trị.

NHÓM ỨC CHẾ KÊNH SGLT2

Thuốc thuộc nhóm này giúp tăng thải đường qua nước tiểu nên giúp giảm đường huyết. Nhóm này thường có tên kết thúc bằng chữ Flozin. Đây cũng là nhóm thuốc mới giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả mà ít gây hạ đường huyết. Ngoài ra chúng còn có thể giúp giảm cân tốt nếu kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện đúng cách. Vì thuốc làm tăng đường trong nước tiểu nên có thể làm người bệnh bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm đường tiểu. Vì vậy, người bệnh cần chú ý uống nhiều nước, giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh tác dụng phụ này.

CÁC LOẠI THUỐC PHỐI HỢP

Các thuốc trên tác dụng bằng nhiều cách khác nhau nên có thể phối hợp với nhau để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, kết hợp nhiều hoạt chất trong cùng viên thuốc có thể làm giảm số lần dùng thuốc, giảm tác dụng phụ của thuốc trong một số trường hợp và giảm giá thành. Ngày nay, các bác sĩ thường tìm cách kê những loại thuốc phối hợp để giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn thay vì tăng liều loại thuốc cũ hoặc chuyển sang một nhóm thuốc khác.

Trên đây bài viết đã tổng hợp các nhóm thuốc viên thường được dùng để điều trị đái tháo đường. Người bệnh cần chú ý thời gian biểu dùng thuốc đặc biệt là những thời điểm liên quan bữa ăn để đảm tác dụng tốt nhất của thuốc. Mặt khác, kiểm soát đường huyết hiệu quả còn phải là sự kết hợp của ăn uống và tập luyện đúng cách.

Tham khảo

http://benhviennoitietnghean.vn

https://tamanhhospital.vn/dai-thao-duong/


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!