HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH RỮA TAY VÀ CÁCH ĐEO KHẨU TRANG ĐÚNG CÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y tế.

Khi nào cần rửa tay?

Để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19, chúng ta cần rửa tay vào những thời điểm sau:

Sau khi trở về từ nơi công cộng: Những nơi công cộng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiếp xúc với nhiều người, cầm nắm vào nhiều vật dụng chung. Trước và sau khi ăn uống: Vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp hay miệng, vì vậy cần rửa tay đúng cách trước khi ăn để tránh virus đi trực tiếp vào cơ thể và sau khi ăn để giữ đôi tay luôn sạch sẽ nếu có cầm, chạm vào thức ăn. Sau khi đi vệ sinh: Nhà vệ sinh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh và một số nghiên cứu mới đây cảnh báo SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua đường phân. Vì vậy, rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh là rất cần thiết.

Ngoài ra, trước khi chuẩn bị thức ăn, điều trị vết thương, chạm vào người bệnh và sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, chạm vào động vật và vật nuôi, thay tã lót cho em bé hoặc giúp trẻ đi vệ sinh, xử lý rác thải… cũng cần rửa tay đúng cách để kịp thời loại bỏ virus, vi khuẩn.

Nên sử dụng nước rửa tay nào?

Rửa tay bằng xà phòng/xà bông và nước là cách tốt nhất để loại bỏ vi trùng trong hầu hết các tình huống, nhưng trong trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, bạn có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Bạn có thể kiểm tra nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn bằng cách quan sát nhãn sản phẩm.

Dung dịch sát khuẩn có thể nhanh chóng làm giảm số lượng vi khuẩn lưu trú trên bàn tay trong nhiều tình huống. Tuy nhiên cần lưu ý: Dung dịch sát khuẩn không thể loại bỏ tất cả các loại vi khuẩn. Dung dịch sát khuẩn có thể không hiệu quả khi tay bạn bị lấm bẩn hoặc dính dầu mỡ. Dung dịch sát khuẩn có thể không loại bỏ các hóa chất độc hại khỏi tay như thuốc trừ sâu và kim loại nặng.

Lưu ý: Dung dịch sát khuẩn có cồn có thể gây ngộ độc nếu uống, nuốt. Nên để xa tầm tay trẻ nhỏ và giám sát việc sử dụng.Do đó, chỉ dùng nước sát khuẩn tay nhanh trong những trường hợp cần thiết, rửa tay với xà phòng/xà bông và nước sạch đúng cách vẫn là cách tốt nhất.

 

6 bước rửa tay đúng cách

Rửa tay đúng thời điểm là một trong những cách đơn giản để tránh nhiễm bệnh và lây lan vi khuẩn. Chúng ta nên rửa tay bất cứ lúc nào thấy tay bẩn. Tuy nhiên, để loại bỏ được hoàn toàn virus, vi khuẩn bám trên tay, chúng ta cần rửa tay đúng cách theo 6 bước đơn giản: Làm ướt hai lòng bàn tay dưới vòi nước. Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều; Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại; Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay và các kẽ ngón, móng tay trong vòng ít nhất 20 giây; Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia; Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại; Tráng sạch tay dưới vòi nước. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn sử dụng 1 lần.

Cách đeo khẩu trang

- Bước 1: Rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn trước khi đeo khẩu trang.

- Bước 2: Xác định phần trên, dưới của khẩu trang.

- Bước 3: Xác định mặt trong, ngoài theo đường may hoặc mặt đậm hơn ở bên ngoài.

- Bước 4: Đeo và điều chỉnh để khẩu trang che kín mũi, miệng đảm bảo không có khe hở giữa mặt và khẩu trang.

Lưu ý: Không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang trong suốt quá trình sử dụng. Nếu chạm vào phải rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.

Thải bỏ khẩu trang

- Bước 1: Khi tháo khẩu trang chỉ cầm phần dây đeo sau tai (không chạm vào mặt ngoài của khẩu trang).

- Bước 2: Bỏ khẩu trang vào túi kín (nếu có) và/hoặc bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín đối với khẩu trang dùng 1 lần.

- Bước 3: Rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.

Lưu ý: Thay hoặc thải bỏ khẩu trang sau: mỗi lần sử dụng hoặc khi bị bẩn. Tuyệt đối không dùng lại đối với khẩu trang dùng 1 lần.

Tái sử dụng khẩu trang 870 (khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn)

- Giặt bằng tay.

- Giặt riêng.

- Phơi tự nhiên, sấy hoặc là khô.

- Số lần tái sử dụng: Đọc kỹ hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất được in trên bao bì hoặc nhãn mác của sản phẩm.

Trích nguồn:

http://trungtamytebinhtan.medinet.gov.vn/

https://ncov.moh.gov.vn/


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!