Từ ngày 1/8/2019, mất thẻ BHYT vẫn được thanh toán tiền khám chữa bệnh

Theo đó, từ ngày 1/8/2019, trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại vẫn được thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Mức thanh toán trực tiếp được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ và chi tiết tại Công văn số 141/BHXH-CSYT Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo đó, đối với trường hợp khám chữa bệnh cấp cứu tại cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định; khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương thực hiện thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 1,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám chữa bệnh đối với khám chữa bệnh ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với khám chữa bệnh nội trú.

Từ ngày 1/8/2019, mất thẻ BHYT vẫn được thanh toán tiền khám chữa bệnh

Cũng trong trường hợp khám chữa bệnh cấp cứu tại cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, nếu khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương thì thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện; khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương và tương đương thì thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.

Trường hợp khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT không đúng quy định thì thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám chữa bệnh đối với khám chữa bệnh ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với khám chữa bệnh nội trú.

Chi phí cùng chi trả của những đợt khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm (kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục) vượt quá 6 tháng lương cơ sở nhưng chưa được hưởng quyền lợi ngay tại cơ sở khám chữa bệnh sẽ thanh toán chi phí thực tế vượt quá 6 tháng lương cơ sở, đồng thời cấp giấy xác nhận không cùng chi trả trong năm đó cho người bệnh.

(Theo Tạp chí Tài chính)


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!